115.000 tỷ đồng đổ vào hạ tầng giao thông, BĐS khu Nam Sài Gòn hưởng lợi lớn, ngày càng sôi động

So với những khu vực khác tại TPHCM, khu Nam từng lép vế vì sự quá tải hạ tầng khi hệ thống giao thông không đủ đáp ứng lượng cư dân ngày một đông. Những tuyến đường dẫn vào trung tâm hoặc các huyện thành lân cận liên tục đối mặt với tình trạng kẹt xe kéo dài.

Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, khu Nam Sài Gòn đã có sự thay đổi rõ rệt về hạ tầng khi nhiều tuyến đường được xây mới, mở rộng. Chỉ riêng trong năm 2018, Nam Sài Gòn đã ghi nhận con số đầu tư lên đến 115.000 tỷ vào hàng loạt dự án giao thông lớn như: hầm chui – cầu vượt tại ngã tư Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, mở rộng đường Huỳnh Tấn Phát, mở rộng đường trục Bắc – Nam đoạn từ Hoàng Diệu đến Nguyễn Văn Linh, mở rộng Quốc lộ 50, xây Cầu Thủ Thiêm 4 nối quận 7 và quận 2…

Đặc biệt, tuyến Metro số 4 đi qua quận 1, 3, 4, 7, 12 , Gò Vấp, Phú Nhuận và huyện Nhà Bè… có tổng mức đầu tư tới 97.000 tỷ đồng là một trong những công trình trọng điểm hứa hẹn tạo đột phá về hạ tầng cho khu Nam Sài Gòn.

Mới đây nhất, UBND quận 4 cho biết hiện tại việc mở rộng đường Nguyễn Tất Thành, nhằm giảm tải ùn ứ giao thông từ quận 1 và 4 sang quận 7 là đơn giản nhất. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, UBND quận 4 đã có văn bản kiến nghị lên UBND TPHCM, rồi các sở ngành họp bàn, đều thống nhất theo đề xuất mở rộng lộ giới về phía cảng Sài Gòn.

Hiện đường Nguyễn Tất Thành rộng 20m, quy hoạch đầu tiên lộ giới 30m, sau này chính thức điều chỉnh lộ giới lên 40. Khu đất phía bờ sông Sài Gòn đã giải tỏa trắng từ cầu Tân Thuận đến đường Trương Đình Hợi; đoạn từ cầu Khánh Hội đến đường Hoàng Diệu, khu cảng cũng đã di dời xong, đất trống; chỉ có đoạn ở giữa (dài 490m) còn vướng hộ dân là từ đường Hoàng Diệu đến đường Ngô Văn Sở.

Đối với đoạn đường đã giải tỏa trắng thuộc phía sông Sài Gòn sẽ đủ điều kiện để mở rộng lộ giới là 12,5m theo quy hoạch. Hiện tại, nếu mở rộng đường Nguyễn Tất Thành theo phương án trên, mặc dù chưa thông toàn tuyến, nhưng sẽ giải quyết khá lớn lưu lượng xe từ khu Nam sang trung tâm TPHCM và ngược lại.

hạ tầng quận 7

Trước cuộc “lột” xác mạnh mẽ của hạ tầng cùng với chính sách chỉnh trang đô thị của TPHCM, thị trường khu Nam đang chuyển mình mạnh mẽ, trở thành quận trung tâm có sức hút mạnh trong chiến lược hướng Nam của TPHCM hiện nay.

Theo nhận định của ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc công ty Property X, thị trường BĐS thời điểm càng về cuối năm càng sôi động do doanh nghiệp bung hàng “hot” để đón nhận dòng tiền lớn trong dân. Bởi lẽ, người dân sau 1 năm tích lũy, dành dụm, tự tin mở hầu bao mua nhà để đón năm mới nhiều may mắn, tài lộc trong căn nhà mơ ước. Với nhiều bạn trẻ từ các tỉnh, thành đến TPHCM lập nghiệp, sở hữu nhà ở cũng là cách để khẳng định sự thành đạt trong sự nghiệp của bản thân đối với gia đình, bạn bè.

Cũng theo ông Hiền, thị trường hiện nay có thể nói là vẫn đang còn trong giai đoạn rất khó khăn từ việc chính quyền TPHCM siết chặt các thủ tục đầu tư dự án nhà ở mới. Tuy nhiên, ngay sau khi nhiều dự án đã được “tháo khoán”, các chủ đầu tư lập tức tung ra thị trường đón dòng tiền. “Theo quan sát, ngoài việc thủ tục pháp lý đang được tháo gỡ theo hướng thuận lợi hơn rất nhiều cho nhà đầu tư, việc hàng loạt dự án “chết lâm sàn” được mua bán, chuyển nhượng cũng đang làm cho thị trường đang dần sôi động”, ông Hiền nói.

Theo đó, từ đầu quý 2/2019 đến nay, hàng loạt dự án nhà ở cùng các dự án phục vụ cộng đồng dân cư như trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí… cũng được nhiều doanh nghiệp quyết định đầu tư, phần lớn tập trung tại khu Nam khiến cả khu vực này đang “thay da đổi thịt” từng ngày.

Chẳng hạn, sau nhiều năm “bất động”, công ty TNHH một thành viên Phát triển GS Nhà Bè (Hàn Quốc) vừa cho biết sẽ đưa dự án rộng hơn 350ha nằm trên đường Nguyễn Hữu Thọ ra thị trường trong năm nay. Dự kiến, dự án bao sẽ cung cấp cho thị trường gần 2.000 căn hộ cao cấp, hàng trăm biệt thự, nhà phố…

Ngoài ra, thị trường khu Nam Sài Gòn vừa ghi nhận sự xuất hiện dự án Eco Green Saigon có quy mô 14,36 ha, sở hữu vị trí đắc địa mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh (phường Tân Thuận, quận 7).  Hay như dự án Oakwood Residence Saigon nằm trên đường Nguyễn Văn Linh, gồm có 237 căn hộ dịch vụ vừa được tung ra thị trường. Dự án này do Công ty đầu tư Mapletree thuộc tập đoàn Mapletree (Singapore) làm chủ đầu tư.

Ngoài ra, tập đoàn Mapletree đã giới thiệu thiết kế mô hình tòa tháp đôi văn phòng V-Plaza Towers với diện tích sàn hơn 66.000m2, khi hoàn thành vào năm 2023 sẽ là khu phức hợp văn phòng đạt chuẩn quốc tế có quy mô lớn tại quận 7, TP.HCM.

Ngoài 2 dự án trên, mới đây Công ty cổ phần Bất động sản Tiến Phước vừa công bố ra mắt giai đoạn I, dự án Senturia Nam Sai Gon, tại đường Nguyễn Văn Linh. Bên cạnh đó, trên dọc tuyến đại lộ Nguyễn Văn Linh hướng về khu Tây Nam, nhiều chủ đầu tư đã tiến hành vây hàng rào các khu đất lớn để chuẩn bị phát triển dự án bất động sản mới tại nơi đây trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, có thể kể đến như dự án Sunshine Diamond River tọa lạc tại mặt tiền đường Đào Trí sát bên sông Sài Gòn do Tập đoàn Sunshine Group làm chủ đầu tư vừa ra mắt mới đây. Trước đó, Tập đoàn Sunshine Group cũng ra mắt dự án Sunshine City nằm gần đường Nguyễn Lương Bằng. Cũng tại con đường này, Hưng Thịnh Corp., đang mở bán hơn 700 căn hộ thuộc dự án Q7 Boulevard.

Được biết, với 12 dự án chung cư đang chào bán tại quận 7, Nhà Bè, từ nay đến cuối năm khu vựa này sẽ cho ra thị trường khoảng 10.000 căn hộ mới.

Qua tìm hiểu thực tế gần đây, được biết nguồn cung căn hộ tại quận 7 không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, trong khi giá bán đang được thiết lập lên một mức mới. Theo đó, một số dự án nằm trên đường Nguyễn Hữu Thọ hiện giá chào bán từ 65-85 triệu/m2, với một số dự án đất nền hiện giá niêm yết khoảng 65-70 triệu/m2. Trong khi đó, tại trục đường Nguyễn Lương Bằng, chỉ có 3 dự án đang được chào bán trên thị trường, với giá từ 45-60 triệu/m2, biệt thự và nhà phố có giá 7-12 tỷ đồng/căn.

Hay như tại một dự án nằm cuối đường Huỳnh Tấn Phát, qua tìm hiểu được biết, chỉ mới khoảng 10 ngày trước đây, giá chào bán chỉ 30-35 triệu đồng/m2, nhưng hiện nay đã “vọt” lên gần 40 triệu đồng/m2. Theo một số nhân viên môi giới, mặc dù nguồn cung căn hộ đang tập trung nhiều tại khu vực quận 7, nhưng do mỗi dự án đều có số lượng căn được bán ra, do vậy giá bán ở thị trường thứ cấp đang có chiều hướng tăng.

Ngay trục đường Đào Trí, nhờ triển vọng và tiến độ thi công của một số dự án lớn, giá bán tăng cao so với hồi đầu năm 2019. Theo khảo sát, giá bán căn hộ hiện nay vào khoảng 50-70 triệu/m2 tuỳ vào số tầng và hướng nhìn. Ở thị trường thứ cấp, giá bán căn hộ đang có chiều hướng tăng từ 3-5% mỗi căn hộ. Còn tại tuyến đường Phú Thuận giá căn hộ cũng tương đương, trong khi đó giá nhà phố tăng thêm từ 3-5 triệu/m2 tuỳ vị trí, bình quân khoảng 12-20 tỷ/căn rộng 150m2.

“Những dự án nhà ở giáp khu trung tâm TPHCM (hay còn gọi là vùng lõi) sẽ là sự lựa chọn tối ưu cho số đông khách hàng, bởi các khu vực này hiện có quỹ đất rộng, mặt bằng giá đất, thuế và giá dịch vụ thấp hơn những vị trí cận kề trung tâm. Đồng thời, hạ tầng giao thông kết nối ổn định còn giúp khoảng cách địa lý giữa các tỉnh gần lại”, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, nói.

Theo Nam Phong (Trí thức trẻ)

This entry was posted in Chưa phân loại. Bookmark the permalink.